Rời Việt Nam và làm việc tại Giáo triều Rôma (1990 – 2002) Phanxicô_Xaviê_Nguyễn_Văn_Thuận

Rời Việt Nam và đề nghị của Tòa Thánh

Ngày 21 tháng 9 năm 1991, Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận rời Việt Nam theo lời đề nghị của một quan chức chính quyền Việt Nam.[7][69] Trong khi đang được điều trị bệnh tại Roma, Chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố ông Nguyễn Văn Thuận không còn được trở lại Việt Nam (persona non grata).[70][71] Đầu năm 1991, Hồng y Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng viết thư đề nghị Giáo hoàng chọn Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng giám mục phó với quyền kế vị. Chính quyền Việt Nam bác bỏ đề nghị từ phía Tòa Thánh. Tổng giám mục Thuận có cuộc gặp với ông Nguyễn Hồng Lan, đứng đầu cơ quan phản gián và phụ trách vụ tôn giáo. Ông Lam cho rằng việc đề bạt Tổng giám mục Thuận làm Tổng giám mục phó Hà Nội là mưu đồ lớn hơn cả kế hoạch năm 1975. Tổng giám mục Thuận cho rằng vì các giám mục Việt Nam đề bạt và Tòa Thánh không chỉ đạo. Nguyên nhân của việc này, theo ông là do các giám mục Việt Nam được biết ông không được thi hành tác vụ công khai nên đã chọn cho ông một vị trí trong tương lai.[7]

Tại Rôma, Tổng giám mục Thuận là cố vấn chính của Giáo hoàng và Phủ Quốc vụ khanh về mối quan hệ với chính quyền Việt Nam.[60] Ngày 14 tháng 1 năm 1992, phái đoàn Toà Thánh do Đức ông C.Celli dẫn đầu đến Hà Nội để làm việc với chính phủ Việt Nam, đề nghị giải pháp toàn bộ gồm ba điểm: Bổ nhiệm Giám mục Giám quản Phạm Đình Tụng làm Tổng giám mục Hà Nội, Giám mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng giám mục Phó Hà Nội và Giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, do chính phủ không chấp nhận Giám mục Thuận làm Tổng giám mục Phó Hà Nội, và Toà Thánh cho đây là biện pháp toàn bộ nên giải pháp bất thành, phái đoàn Toà Thánh trong lần làm việc với chính phủ năm 1994 thừa nhận đây là một sai lầm.[72]

Sau đó, cuộc gặp từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 2 năm 1993, phái đoàn Toà Thánh đưa ra giải pháp toàn bộ mới, trong đó cắt đi đề nghị đầu tiên so với năm 1992, vẫn giữ nguyên 2 đề nghị sau về các giám mục Huỳnh Văn Nghi và Nguyễn Văn Thuận. Nhưng chính phủ chỉ đồng ý đề nghị về phần Giám mục Nghi mà không chấp nhận Tổng giám mục Thuận ra Hà Nội, vì là một giải pháp toàn bộ, Toà Thánh không bổ nhiệm Giám mục Nghi làm Tổng giám mục phó như đã định.[73] Tổng giám mục Celli được nhận định là đã cố gắng linh động nhằm chọn được các giám mục kế vị ở Hà Nội để kế vị Hồng y Trịnh Văn Căn cũng như Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình ở Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.[74] Sau nhiều lần thương thảo không thành công, Tòa Thánh Vatican sau đó cố gắng bổ nhiệm Giám quản Tông Tòa cho Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, tuy vậy chính quyền tiếp tục bác bỏ đề nghị này.[75] Năm 1993, Tổng giám mục Thuận đến Úc khi cha ông qua đời.[68]

Trừ khi đến Rôma, ngay cả trước khi chính thức công tác tại Giáo triều Rôma, Nguyễn Văn Thuận hầu như tuần nào cùng dành thời gian thăm cộng đoàn các quốc gia khác nhau, các đại học, các cơ quan quốc tế cũng như các cộng đoàn đặc sủng để hỗ trợ tĩnh tâm, đào tạo và xây dựng tân cộng đoàn.[30]

Công tác tại Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình

Tại Vatican, Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận được mời làm thành viên Ủy ban Quốc tế về Di trú và Di dân.[76] Sau nhiều lần không đạt thỏa thuận với chính quyền Việt Nam (năm 1992, 1993), Tòa Thánh bổ nhiệm Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình, thuộc Giáo triều Rôma vào ngày 24 tháng 11 năm 1994.[77][76] Cùng ngày này, ông chính thức từ chức Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (đổi tên từ Sài Gòn năm 1976). Có nguồn tin cho rằng ông được bổ nhiệm chức phó chủ tịch vào ngày 9 tháng 4 năm 1994.[7][12] Nói về chức vụ này, Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói với Tổng giám mục Thuận:[7]

Hiền huynh đến từ một quốc gia chiến tranh và hiền huynh đã bị giam cầm trong mười ba năm. Bây giờ, hiền huynh chia sẻ kinh nghiệm đó cho những người dân tại các quốc gia đang chịu đau khổ và bất công. Như vậy, chúng ta có thể thăng tiến Công lý và Hòa bình và giúp họ tìm hiểu những quyền của họ.

Nguyễn Văn Thuận quan tâm và hỗ trợ các công tác xã hội, từ thiện; các công trình nghiên cứu và phổ biến văn hóa Việt Nam nói chung và Văn hóa Công giáo Việt Nam nói riêng. Ông cũng hỗ trợ các công việc trùng tu và xây cất các cơ sở tôn giáo, đào tạo chủng sinh và giáo dân. Ông từng được Bộ Truyền giáo ủy thác công tác kiểm tra các chủng viện tại một số quốc gia châu Phi.[14]

Tháng 2 năm 1998, Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận tham gia sự kiện ngày giới trẻ tại Anaheim Convert Center, California, Hoa Kỳ và có bài phát biểu song ngữ Anh - Việt trong khuôn khổ sự kiện.[78][79] Sau bốn năm làm việc tại Uỷ ban Công lý và Hòa Bình, ngày 24 tháng 6 năm 1998, Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận được chọn làm Chủ tịch Uỷ ban này, thay thế Hồng y Roger Etchegaray.[80][12] Tờ New York Times nhận định việc bổ nhiệm này đã đưa Tổng giám mục Thuận vào sự chú ý (của mọi người).[71] Ngày 20 tháng 8, nhân dịp tham gia sự kiện kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang tại Washington D.C., Hoa Kỳ, ông tuyên bố thành lập Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang.[30] Ngày 18 tháng 11 cùng năm, Nguyễn Văn Thuận, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa Bình, kêu gọi giảm hoặc xóa nợ cho các quốc gia Trung Mỹ, bị bởi cơn bão xoáy Mitch tàn phá. Ông đã gửi lời cảm tạ các quốc gia thực hiện đề nghị và nhắc nhở về bổn phận của các quốc gia đang vay nợ.[7]

Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận đã được mời đi giảng và thuyết trình tại nhiều quốc gia và giảng cho các đối tượng khác nhau và tại các trường đại học khác nhau trên thế giới. Tại Mexico vào tháng 5 năm 1998, Tổng giám mục Thuận giảng cho hơn 50.000 thanh niên.[19][14] Trong nhiều dịp khác nhau thuộc các buổi nói chuyện trên toàn thế giới, Tổng giám mục Thuận thường xuyên nói về chủ đề kinh nghiệm trong thời gian tù ngục.[69] Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhằm mục đích làm theo đề nghị của các giám mục nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục châu Mỹ 1997, đã yêu cầu Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa Bình soạn thảo tài liệu mang tên Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội. Riêng Tổng giám mục Thuận được yêu cầu viết tóm lược học thuyết này vào đầu năm 1999. Với cương vị Chủ tịch Hội đồng, ngày 1 tháng 5 năm 2000, ông ban hành quyết định tim kiếm các văn bản huấn quyền về nội dung Học thuyết Xã hộ Công giáo. Ông đã tìm kiếm được các văn kiện và viết tháng 11 chương sách. Văn bản của Tổng giám mục Thuận là nền tảng hoàn thành Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội. Tổng giám mục Thuận qua đời trước khi hoàn thành tác phẩm.[7]

Trong Mùa Chay năm 2000, Tổng giám mục Thuận nhận lời mời từ Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời ông giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho giáo triều Vatican, vào lúc bắt đầu của thiên niên kỷ thứ ba.[71][12] Trong Nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, từ chiều ngày 12 tháng 3 đến 18 tháng 3 năm 2000, ông giảng tĩnh tâm cho Giáo hoàng và các thành viên Giáo triều Rôma. Những bài giảng của ông được in thành sách Chứng nhân Hy Vọng,[21] sách này được phát hành ít nhất 12 ngôn ngữ.[7] Khi Giáo hoàng gặp ông trong buổi triều yết riêng và tặng ông một chén thánh.[19]

Chiều ngày 20 tháng 8 năm 2000, ngày bế mạc ngày Quốc tế Giới Trẻ thứ XV tại Roma, Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận đã tiếp đón hai Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình, chủ tịch Ủy ban phụ trách Giáo dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam và Giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm, cùng phái đoàn Việt nam tham dự Ngày Quốc tế Giới Trẻ tại căn hộ của ông. Trong cuộc gặp, Tổng giám mục Thuận cũng gặp một số linh mục hiện làm việc tại Roma, trong đó có Ðức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Truyền giáo, và Ðức ông Giuse Đinh Đức Đạo, phụ trách cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Hải ngoại.[81]

Trong thời gian đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, ông hỗ trợ các khu vực nghèo khó nhất trên thế giới. Hội đồng Công lý và Hòa bình ghi nhận hồng y Nguyễn Văn Thuận đã làm chứng cho hòa bình và hy vọng của các dân tộc.[82]

Các giải thưởng

Ngày 11 tháng 5 năm 1996, Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận nhận bằng Tiến sĩ Danh dự tại Đại Chủng viện Notre DameNew Orleans, Louisiana, Hoa Kỳ.[76]

Tổng giám mục Thuận được tặng thưởng nhiều huân chương khác nhau vì "đời sống chứng tá và các hoạt động xây dựng công lý và hòa bình". Ngày 9 tháng 6 năm 1999, tại Tòa Đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh, Chính phủ Pháp đã trao tặng ông huy chương "Commandeur de l’Ordre National du Mérite". Ngày 12 tháng 12 năm 2000, tại Tòa Thị chính Rôma, Hiệp hội "Cùng nhau xây dựng hòa bình" đã trao tặng Huy chương vinh danh ông. Ngày 20 tháng 10 năm 2001, tại Torino, Tổng giám mục Thuận được trao tặng Huy Chương Hòa bình do tổ chức SERMIG - Hiệp hội Truyền giáo của giới trẻ. Ngày 9 tháng 12 năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu G. Donati cũng đã trao tặng ông Giải thưởng Hòa bình năm 2001.[8][14]

Thăng tước hồng y

Ngày 21 tháng 1 năm 2001, Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố chọn Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận làm hồng y.[83] Tân hồng y được xếp thứ hai trong danh sách các tân hồng y được công bố.[84] Tổng số lượng hồng y được vinh thăng lầhn này lên đến 37, số lượng lớn nhất mà một Công nghị Hồng y từng có.[85] Hồng y tân cử nhận được tin thăng hồng y cùng lúc biết tin tức cơ thể ông có một khối u gây bệnh, chính là khối u sau này đã khiến ông qua đời.[86]

Với việc công bố quyết định thăng tước vị hồng y, Nguyễn Văn Thuận trở thành hồng y bậc phó tế đầu tiên người Việt Nam và là hồng y người Việt Nam thứ bốn. Ngày 21 tháng 2 năm 2001, nghi lễ nhận tước vị được cử hành và ông chính thức trở thành Hồng y Phó tế, Hiệu tòa Nhà thờ Santa Maria della Scala.[87] Cũng được vinh thăng hồng y cùng Nguyễn Văn Thuận đợt này còn có các Giám mục từ các nơi như: Hồng y Jorge Mario Bergoglio người Argentina – sau này là Giáo hoàng Phanxicô; Hồng y Louis-Marie Bille tại Lyon, Pháp; Hồng y Ivan Dias tại Bombay, Ấn Ðộ,...[88][87] Ngay trong ngày diễn ra nghi lễ hồng y, bài nghiên cứu Choosing the next pope đăng tải trên BBC đã nhận định Hồng y Nguyễn Văn Thuận là một trong những hồng y có sức ảnh hưởng, ngay cả khi không là giáo hoàng.[89]

Huy hiệu Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, có khẩu hiệu Latinh nghĩa là: "Vui mừng và hy vọng"

Huy hiệu của Hồng y Nguyễn Văn Thuận có nền màu xanh dương với ngôi sao trắng tượng trưng cho bà Maria là ngôi Sao Biển. Ngôi sao dẫn đường cho những con thuyền trong cuộc du hành. Mười khúc tre tượng trưng cho 10 điều răn và là biểu tượng của người quân tử. Nổi bật trên màu xanh và ngôi sao là ba ngọn núi biểu tượng của đại dương và lục địa. Ba ngọn núi còn là biểu trưng cho ba miền Việt Nam: Bắc, Trung, và Nam. Núi và biển cả cũng còn tượng trưng cho Nha Trang, là Giáo phận tân Hồng y từng đảm nhận chức Giám mục chính tòa.[21] Khẩu hiệu bằng tiếng La Tinh của Hồng y Thuận là GAUDIUM ET SPES, nghĩa là "Vui mừng và hy vọng" cũng là tựa đề của Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay, được Công đồng Chung Vaticanô II ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1965, ngày cuối cùng trước khi bế mạc Công đồng. Cùng với Hiến chế Tín Lý về Giáo hội Ánh Sáng Muôn Dân – "Lumen Gentium", qua Công đồng này, Giáo hội muốn canh tân để phản ánh "dung nhan Chúa Kitô" trong thời đại hiện tại.[21]

Trong số phát hành ngày 21 tháng 2 năm 2001, Nhật báo The Los Angeles Times có bài với nhan đề "The Men Who Would Be Pope?" (Người có thể lên ngôi Giáo hoàng?) đã dự đoán danh sách 14 vị hồng y có nhiều khả năng kế vị Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong đó có Hồng y Nguyễn Văn Thuận.[90][91] Ngoài ra, tờ báo này còn có một bài viết khác với tiêu đề Hidden Hopes of Being Pope (tạm dịch: Những tham vọng thầm kín để trở thành giáo hoàng) đưa ra quan điểm vị giáo hoàng kế vị giáo hoàng Gioan Phaolô II khó có khả năng đến từ châu Á, nơi có tỉ lệ giáo dân Kitô giáo rất thấp. Tuy vậy, bài báo dự đoán tân hồng y Thuận có thể tiến xa.[92] Nhật báo The New York Post, ngày 25 tháng 2 năm 2001, cũng đăng bài nhan đề "Is Asian Cardinal In Line For Papacy ?" (Một Hồng y Á Châu Có Thể Lên Ngôi Giáo hoàng?) của ký giả Rod Dreher. Trong đó có đoạn nhận định về tân Hồng y người Việt Nam là một ứng viên sáng giá cho ngôi vị Giáo hoàng.[90]

Giữa tháng 3 năm 2001, Hồng y Thuận tham gia sự kiện Công lý, Hòa Bình, Giải quyết các Vấn đề Xã hội tổ chức tại Tổng giáo phận Los Angeles.[93] Vài tháng sau khi được phong tước Hồng y, ngày 30 tháng 4, Giáo hoàng đã chỉ định các tân hồng y vào các thánh bộ của Giáo triều Rôma. Hồng y Thuận được bổ nhiệm làm thành viên Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích và Bộ Rao giảng Tin Mừng (bộ Truyền giáo).[94][95] Ngày 14 tháng 5 cùng năm, Hồng y Thuận được chỉ định làm thành viên Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân.[95]

Sau khi Việt Nam nới lỏng các hạn chế về việc nhập cảnh, Hồng y Thuận đã trở về Việt Nam thông qua các thủ tục dành cho công danh nước ngoài.[3] Với thời gian bị cầm tù, Nguyễn Văn Thuận trải qua tổng cộng 7 lần phẫu thuật, trong đó 3 lần khiến ông suýt mất mạng. Ngày 17 tháng 4 năm 2001, Hồng y Thuận được cử hành giải phẫu tại một bệnh viện ở Boston, Hoa Kỳ. Cuộc giải phẫu cuối cùng của ông là vào ngày 8 tháng 5 năm 2002 tại Trung tâm nghiên cứu về ung thư, Milan, miền Bắc Ý. Từ đầu tháng 6 năm 2002, sức khỏe Hồng y Thuận chuyển biến xấu và được cấp cứu tại Bệnh viện Agostino Gemelli thuộc Ðại học Công giáo Thánh Tâm, Rôma. Sau đó, hồng y Thuận được chuyển viện đến Bệnh viện Piô XI.[14]

Giữa tháng 7 năm 2002, cùng với lễ an táng Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, thông tin từ Tòa Thánh cho biết Hồng y Nguyễn Văn Thuận đang điều trị ung thư tại bệnh viện Piô XI tại Roma.[96]

Qua đời và hậu sự

Vào lúc 6 giờ chiều ngày 16 tháng 9 năm 2002, Hồng y Nguyễn Văn Thuận qua đời tại Roma do bệnh ung thư ruột,[8][97] một dạng ung thư hiếm gặp.[47] Trong những ngày cuối đời, Hồng y Thuận mất khả năng nói, tuy vậy vẫn giữ được sự thanh thản.[98] Trong chúc thư tinh thần, cố Hồng y khẳng định ông Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai.[13] Chính quyền Việt Nam gửi lời chia buồn với thân nhân cố hồng y hiện sinh sống tại Việt Nam và hứa sẽ cứu xét hỗ trợ visa cho họ tham dự tang lễ.[99] Trong những tuyên bố đầu tiên về sự qua đời của cố hồng y, Tòa Thánh loan tin Giáo hoàng Gioan Phaolô II ca ngợi cố hồng y là người luôn đặt niềm tin vào Giáo hội Công giáo, kể cả trong những thời khắc khó khăn nhất.[100] Tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình Giampaolo Crepaldi công bố với giới truyền thông: Một vị thánh vừa qua đời!.[13]

Thánh lễ an táng cố hồng y được Giáo hoàng Gioan Phaolô II cử hành trọng thể vào chiều ngày 20 tháng 9 năm 2002, với 4.000 người tham dự, trong đó có 4 hồng y và 130 giám mục cùng với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.[76] Trong số các giám mục tham dự thánh lễ an táng, có sự hiện diện của 5 giám mục Việt Nam: Tổng giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn từ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể, giám mục Nha Trang Phaolô Nguyễn Văn Hòa, giám mục Phát Diệm Giuse Nguyễn Văn Yến và giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nho, Giám mục phó Giáo phận Nha Trang.

Trong thánh lễ, Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận xét cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận:[8]

Trong lúc chào vĩnh biệt Người Sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng y, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, đến độ tử đạo. […] ngài (Đức Hồng y Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là "chọn một mình Chúa mà thôi" như các vị tử đạo Việt Nam đã làm trong những thế kỷ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người "Tin Mừng Hy Vọng" và Đức Hồng y giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. [...] Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền.

Sáng ngày 21 tháng 9, thi hài cố Hồng y được đưa đi an táng tại phần mộ của các Kinh sĩ Đền thờ Thánh Phêrô. Khu phần mộ này thuộc nghĩa trang Verano của thành phố Roma, Campo Verano. Tham dự nghi lễ an táng có bạn thân cố Hồng y là Hồng y Bernard Law, năm giám mục người Việt, Tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình Giampaolo Crepaldi và hơn 1000 tu sĩ, giáo sĩ và thân nhân người quá cố.[76] Nghĩa trang này là nghĩa trang chôn cất các nhà trí thức, các diễn viên, nghệ sĩ và là một nghĩa trang hoành tráng, được nhận định là một nghĩa trang tốt nhất để chôn cất tại Ý.[101]

Mười năm sau đó, khi thi hài hồng y Nguyễn Văn Thuận được an táng, thi hài ông đã được cải táng về Nhà thờ hiệu tòa của ông, Nhà thờ Đức Mẹ Scala, ở trung tâm Roma sáng ngày 8 tháng 6 năm 2012.[76] Ở Tu viện Celittinen, Koeln, hiện tại có căn phòng dành riêng lưu giữ những hình ảnh cùng kỷ vật của hồng y Thuận, và cũng tại nhà Dòng này ông đã sống trải qua nhiều ngày năm tháng lúc còn sinh thời, nhất là đã dâng thánh lễ với nhà dòng tại nhà nguyện tu viện.[102]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phanxicô_Xaviê_Nguyễn_Văn_Thuận http://www.catholicweekly.com.au/01/mar/18/story_1... http://www.catholicworldreport.com/Item/2833/cardi... http://www.daughtersofstpaul.com/cardvanthuan/bio.... http://online.pubhtml5.com/xcsy/nkum/#p=1 http://online.pubhtml5.com/xcsy/nkum/#p=72 http://www.youtube.com/playlist?list=PLcx3AxCBq_KW... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb122249835 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb122249835